Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Giám đốc Nhà hát Trưng Vương - Trần Quang Hào, lắng nghe những chia sẻ về tâm tư, trăn trở của người làm nghệ thuật những ngày này...
Dịch COVID-19 quay trở lại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như các lĩnh vực hoạt động của thành phố. Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng chịu ảnh hưởng như thế nào trong thời gian này?
- Nghệ sĩ Trần Quang Hào: Dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa của cả thành phố. Nhà hát Trưng Vương chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi mọi hoạt động đều rơi vào trạng thái “tê liệt”, không có một hợp đồng hay bất kỳ show diễn nào khi các đối tác đều đã dừng lại hết. Khi dịch bệnh lần 1 tạm ngưng, chúng tôi đã xây dựng một số kế hoạch hoạt động nghệ thuật trở lại, trong đó có cuộc thi “Giọng hát hay Bolero Đà Nẵng” mở rộng được nhiều người đón đợi vào cuối năm nay. Vậy nhưng dịch đã ập đến...
Là đơn vị tổ chức nghệ thuật hàng đầu của thành phố, Nhà hát Trưng Vương phải hoãn nhiều sự kiện lớn; anh có thể cho biết, thu nhập, đời sống cán bộ, nhân viên cùng các nghệ sĩ bị tác động thế nào?
- Nhà hát Trưng Vương là một đơn vị tự chủ, chi trả lương từ những nguồn thu của nhà hát cũng như bảo hiểm xã hội cho các anh em diễn viên nghệ sĩ. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát trở lại, tôi thực sự đắn đo suy nghĩ về đời sống của cán bộ, nhân viên, diễn viên. Có những người ở xa quê không về nhà được, phải chật vật với từng bữa ăn. Chúng tôi thường xuyên quan tâm, hỏi thăm những trường hợp gặp khó khăn, chúng tôi tạo điều kiện hỗ trợ về ở khu sau của nhà hát để tiện đi lại, giảm bớt kinh phí.
Đối với những người đang thuê nhà chung cư giá rẻ của thành phố thì chi trả hộ toàn bộ số tiền. Bảo hiểm xã hội của mọi người cũng được đảm bảo, dù rất khó khăn.
Việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật truyền thống vốn đã khó khăn, nay trong bối cảnh dịch bệnh, càng khó khăn hơn gấp bội. Theo anh cần phải có những giải pháp và cơ chế nào hỗ trợ cho các nhà hát trong thời gian này?
- Chúng tôi cũng đã họp để có những cơ chế phù hợp với nhà hát trong thời điểm dịch bệnh này. Trân trọng, yêu quý những diễn viên, nghệ sĩ đã và đang đồng hành, cống hiến nhiều năm qua, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, chúng tôi muốn cùng nhau dìu dắt, sát cánh vượt qua. Để có một hình ảnh Nhà hát Trưng Vương trong lòng khán giả Đà Nẵng nói riêng và khán giả cả nước nói chung như ngày hôm nay là sự chung sức, đồng hành của tập thể.
Tôi rất mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để giúp giữ lại được diễn viên, giúp họ có một cuộc sống ổn định để an tâm theo nghề. Khi dịch bệnh qua đi, chúng tôi là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, mang lời ca tiếng hát như một món ăn tinh thần đến với công chúng.
Nhiều nghệ sĩ đi đầu trong phong trào chung tay đồng hành, ủng hộ Đà Nẵng vượt qua dịch bệnh và điều này thật ý nghĩ. Anh đã có những kế hoạch hoạt động biểu diễn nghệ thuật của thành phố sau dịch chưa?
- Như tôi và ca sĩ Thái Thùy Linh đã có những kế hoạch du ca ở khu vực miền Trung. Khi dịch bệnh quay bùng phát trở lại, chúng tôi dừng lại để góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Như mọi người, chúng tôi cần chung tay cùng cộng đồng, cùng chính quyền để vượt qua giai đoạn này,
Khi chiến thắng dịch bệnh, tôi sẽ đề xuất lãnh đạo xây dựng một chương trình nghệ thuật đặt biệt để tri ân lực lượng tuyến đầu, giúp người dân Đà Nẵng có cơ hội ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày tháng cùng nhau vượt qua bão giông. Tôi cũng sẽ kêu gọi tất cả nghệ sĩ trên cả nước, đặc biệt là những người con của Quảng Nam, Đà Nẵng cùng nhau thực hiện chương trình phục vụ khán giả miễn phí để kích cầu, tô điểm lại hình ảnh của Đà Nẵng, mang lại tinh thần lạc quan cho người dân.
Về cá nhân, tôi sẽ thực hiện một liveshow cùng đồng nghiệp để nói lên tình cảm dành cho thành phố nói chung và Nhà Trưng Vương nói riêng. Tôi mong muốn đây sẽ là chương trình ghi dấu cuộc đời làm nghệ thuật cũng như kỷ niệm quãng thời gian cộng tác, làm việc tại Nhà hát Trưng Vương qua nhiều thời kỳ.